Báo giao thông: Đường sắt cần hàng nghìn tỷ thay thế đầu máy mới

Tổng công ty Đường sắt VN đang lên kế hoạch thay thế hàng trăm đầu máy để tăng hiệu quả trong vận tải.

Sức kéo “già nua”

Theo thống kê của Tổng công ty (TCT) Đường sắt VN, hiện đơn vị này đang quản lý gần 300 đầu máy với 14 chủng loại. Trong đó, hơn 270 đầu máy được dùng chung cả tàu khách và tàu hàng; 15 đầu máy dừng hoạt động và 8 đầu máy đang chờ thanh lý.

Tuy nhiên, đáng nói hơn 270 đầu máy đang hoạt động đa phần có tuổi đời khá cao, từ 30 năm trở lên. Cụ thể, có đến 31 đầu máy Đ9E công suất 900 mã lực được sản xuất năm 1963; 30 đầu máy Đ10H 1.000 mã lực được sản xuất năm 1978; 37 đầu máy Đ12E 1.000 mã lực được sản xuất năm 1985… Số đầu máy thuộc diện mới và hiện đại nhất của Đường sắt VN hiện nay là đầu máy Đổi mới Đ19E 1.900 mã lực cũng có hàng chục máy được sản xuất từ năm 2001, đến nay tuổi đời đã 17 năm.

Theo một chuyên gia Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội (đề nghị giấu tên), đầu máy “già nua” khiến chi phí cho sức kéo chiếm tỷ lệ cao trong giá thành vận tải. Chuyên gia này nêu ví dụ, Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội hiện quản lý 54 đầu máy chi phối, nhưng chỉ vận dụng 51 đầu máy, trong đó 21 đầu máy Tiệp Đ12E tuổi đời đã hơn 30 năm; lô đầu tiên đầu máy Đổi mới giao cho xí nghiệp cũng từ năm 2001, nay tất cả đã vào cấp đại tu lần 2.

“Đầu máy cũ ảnh hưởng lớn đến hiệu quả vận dụng như: Công suất không phù hợp với yêu cầu tốc độ vận chuyển và tải trọng đoàn xe (toa xe) ngày càng cao. Hơn nữa, vì các nhà máy không sản xuất series đầu máy đó nữa nên công tác sửa chữa rất khó khăn về vật tư, phụ tùng. Đầu máy cũ tiêu hao nhiều nhiên liệu hơn, từ dầu mỡ trong sửa chữa đến dầu diezel khi kéo tàu, đẩy chi phí lên cao”, vị chuyên gia này nói.

Cụ thể hơn, ông Phan Quốc Anh, Phó tổng giám đốc TCT Đường sắt VN cho biết, sức kéo hiện nay chiếm đến khoảng 35% giá thành vận tải. TCT Đường sắt VN đã nhiều lần phải thay đổi mô hình tổ chức khối sức kéo cùng các biện pháp quản lý về nhiên liệu, vật tư, về vận dụng đầu máy hiệu quả, để giảm chi phí sức kéo. Nếu năm 2010, chi phí sức kéo chiếm đến 45,49% doanh thu vận tải, thì năm 2014 giảm còn 40,76% và đến 2 năm 2016, 2017 con số này chỉ khoảng 35%.

Cần hàng nghìn tỷ đồng hiện đại hóa đầu máy

Ngoài việc thay thế số đầu máy cũ kỹ, TCT Đường sắt VN còn phải đối mặt với bài toán đầu tư, bổ sung mới hàng loạt đầu máy khác. Theo Nghị định 65 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt có hiệu lực từ 1/7/2018, niên hạn đối với đầu máy chạy trên đường sắt quốc gia không quá 40 năm. Nghị định 65 cũng quy định lộ trình thực hiện niên hạn này.

Về vấn đề này, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, để thực hiện theo lộ trình này, cần hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư thay mới đầu máy. Theo tính toán, TCT Đường sắt VN cần tối thiểu 215 đầu máy, ngoài ra cần thêm số lượng đầu máy dự phòng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *