Doanh nghiệp mừng vì cửa khẩu đường sắt vào sâu nội địa

Việt Nam mới kết nối ray với đường sắt Trung Quốc và thông qua Trung Quốc đưa hàng sang các nước Trung Á, từ đó đi châu Âu, Trung Đông. Nếu việc kết nối đường sắt quốc tế qua 5 tuyến chính sớm được triển khai, sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí rất lớn.

Bớt thời gian, giảm chi phí

Hơn 500 tấn tinh bột sắn vừa được làm thủ tục hải quan và đưa lên tàu vận chuyển từ ga Sóng Thần (Bình Dương) đi Trịnh Châu (Trung Quốc). Trước đó, Tổng công ty Đường sắt VN (VNR) đã khai trương hoạt động liên vận quốc tế tại ga Kép (huyện Lạng Giang, Bắc Giang).

Đoàn tàu container liên vận quốc tế Việt Nam – Kazakhstan

“Vận tải đường sắt nói chung và hoạt động vận chuyển liên vận quốc tế bằng đường sắt giữa Việt Nam – Trung Quốc nói riêng đang chuyển biến rất tích cực”, Chủ tịch HĐTV VNR Đặng Sỹ Mạnh nói và cho biết, hiện Bộ GTVT đang triển khai các dự án nâng cấp, cải tạo ga Sóng Thần.

Dự kiến, giai đoạn 2025 – 2030, năng lực ga Sóng Thần sẽ đạt đến 3,5 triệu tấn/năm và trở thành ga hàng hóa đầu mối lớn nhất trong hệ thống các ga đường sắt Việt Nam.

“Việc ga Sóng Thần gia nhập đường đua liên vận quốc tế là tiền đề quan trọng để VNR hiện thực hóa mục tiêu đưa cửa khẩu đường sắt vào sâu trong nội địa”, ông Mạnh khẳng định.

Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics tại Bình Dương phấn khởi cho hay: Nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa hai chiều rất cao. Tuyến đường sắt này mang lại năng lực cạnh tranh rất lớn cho Bình Dương nói riêng cũng như các địa phương trong khu vực nói chung như Đồng Nai, TP.HCM.

“Trước đây, hàng xuất đi Trung Quốc phải vận chuyển bằng đường bộ và làm thủ tục hải quan tại ga Yên Viên, cửa khẩu Đồng Đăng, Lạng Sơn. Giờ hoàn toàn có thể làm thủ tục xuất khẩu tại Bình Dương, rút ngắn được thời gian, chi phí và giảm tải gánh nặng cho đường bộ”, vị này nói và cho biết: Một container hàng vận chuyển bằng đường bộ từ miền Nam ra biên giới phía Bắc tốn ít nhất 80 triệu đồng.

Nếu đi tàu hỏa, con số này giảm chỉ còn chưa tới 60 triệu đồng. Đó là chưa kể đến những tiết kiệm chi từ phí cầu đường, chi phí cho lái xe. Ngoài ra, thời gian vận chuyển cũng giảm khoảng 1/3 so với đi đường bộ.

Sẽ có những tuyến đường sắt nào kết nối quốc tế?

Đại diện Viện Chiến lược và phát triển GTVT cho biết, tốc độ tăng trưởng vận tải hàng hóa liên vận quốc tế bằng đường sắt trung bình 6%/năm. Dự báo khối lượng vận chuyển đường sắt liên vận quốc tế đến năm 2030 đạt khoảng 4 – 5 triệu tấn/năm.

Khai trương tàu container tại ga liên vận quốc tế Yên Viên.

Nhận thức rõ cơ hội rất lớn này, ngành đường sắt đang nỗ lực hoàn thành các tuyến đường sắt kết nối ray với đường sắt các nước hoặc hướng ra biển, tạo thuận lợi hợp tác vận chuyển hàng liên vận quốc tế.

Ông Nguyễn Tiến Thịnh, Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính, Cục Đường sắt VN cho hay, hiện đường sắt Việt Nam mới kết nối ray với đường sắt Trung Quốc và thông qua Trung Quốc đưa hàng đi đường sắt sang các nước Trung Á, từ đó đi châu Âu, Trung Đông.

Tàu của Việt Nam có thể sang Trung Quốc thông qua 2 ga cửa khẩu: Ga Lào Cai tuyến Hà Nội – Lào Cai và ga Đồng Đăng tuyến Hà Nội – Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn).

Tuy nhiên, chỉ tuyến Yên Viên – Đồng Đăng có thể chạy tàu khổ 1.435mm để từ đó nối tiếp đi đường sắt các nước. Tuyến Hà Nội – Lào Cai vẫn phải thực hiện chuyển tải hàng từ toa xe khổ 1.000mm của đường sắt Việt Nam sang toa xe khổ 1.435mm của Trung Quốc, dẫn đến phát sinh tác nghiệp, chi phí.

Quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã định hướng kết nối ray với đường sắt các nước khu vực qua 5 tuyến chính.

Theo đó, mạng đường sắt Việt Nam kết nối xuyên Á, kết nối Á – Âu thông qua đường sắt Trung Quốc tại các ga cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn) và Lào Cai; Kết nối với đường sắt ASEAN qua Lào (tại Mụ Giạ, Lao Bảo), qua Campuchia (tại Lộc Ninh).

Cụ thể, kết nối với đường sắt Trung Quốc thông qua 2 tuyến hiện hữu là Hà Nội – Đồng Đăng khổ đường lồng (1.000mm và 1.435mm), Nam Ninh – Bằng Tường khổ tiêu chuẩn 1.435mm; tuyến Hà Nội – Lào Cai khổ hẹp 1.000mm, kết nối với đường sắt Côn Minh – Hà Khẩu khổ tiêu chuẩn 1.435mm.

Việt Nam sẽ nghiên cứu, đầu tư xây dựng mới hai tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn 1.435mm là Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh và Hà Nội – Lạng Sơn.

Kết nối với đường sắt Lào qua hai tuyến xây mới: Tuyến Vũng Áng – Tân Ấp – Mụ Giạ dài khoảng 103km, khổ 1.435mm, kết nối cửa khẩu Cha Lo thuộc tỉnh Quảng Bình với Thà Khẹk của Lào, định hướng đầu tư trước năm 2030; Tuyến Mỹ Thủy – Đông Hà – Lao Bảo dài khoảng 114km, khổ 1.435mm, kết nối cửa khẩu Lao Bảo thuộc tỉnh Quảng Trị với Savannakhet của Lào; định hướng đầu tư sau năm 2030.

Để kết nối với đường sắt Campuchia, chúng ta có kế hoạch xây mới tuyến TP.HCM – Lộc Ninh dài khoảng 128km, khổ 1.435mm, kết nối cửa khẩu Hoa Lư thuộc tỉnh Bình Phước (hoặc cửa khẩu Mộc Bài thuộc tỉnh Tây Ninh) với Campuchia; định hướng đầu tư trước năm 2030.

Ông Nguyễn Khánh Tùng, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, hiện tuyến Vũng Áng – Tân Ấp – Mụ Giạ đã hoàn thành bước nghiên cứu khả thi và được đưa vào danh mục dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài theo hình thức PPP.

Vừa qua, Bộ GTVT đã chấp thuận Liên danh Công ty Thương mại dầu khí Lào – Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả là nhà đầu tư đề xuất dự án thực hiện lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo phương thức PPP.

Tuyến Biên Hòa – Vũng Tàu đang triển khai lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Tuyến Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh mới đây hoàn thành báo cáo nghiên cứu đầu kỳ quy hoạch, đề xuất nối với cảng Lạch Huyện, cảng Cái Lân. Theo đó đề xuất chiều dài toàn tuyến 441km, khổ tiêu chuẩn 1.435mm, vận tốc thiết kế 160km/h.

“Theo quy hoạch, các dự án đường sắt kết nối quốc tế là dự án quan trọng quốc gia, ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2030, vì vậy cần thiết bố trí vốn triển khai nghiên cứu, triển khai đầu tư sớm”, ông Tùng nói.

Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Ân, việc kết nối quốc tế, nhất là các tuyến kết nối cảng biển như Hà Nội – Hải Phòng, Biên Hòa – Vũng Tàu là cú hích, tạo thuận lợi cho vận tải đường sắt phát huy ưu thế vận tải nặng, khối lượng lớn, đi xa, giảm áp lực cho vận tải đường bộ.

Với tuyến đã nghiên cứu như Biên Hòa – Vũng Tàu cần triển khai đầu tư sớm. Với tuyến đang quy hoạch, nghiên cứu như Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh cần làm rõ bài toán tài chính, hiệu quả đầu tư. Tuy nhiên, cần thiết quy hoạch, đầu tư trước mạng đường sắt trong cảng biển Lạch Huyện, kết nối cầu tàu, để khi triển khai tuyến là đấu nối khai thác được ngay.

Theo:vr.com.vn