ĐS tốc độ cao TPHCM – Cần Thơ: Mũi đột phá và sáng tạo cho Nam bộ phát triển

Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 31-NQ/TW “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với nhiều nội dung quan trọng, nhiều chủ trương chính sách mới, rất tích cực. Đặc biệt, Bộ Chính trị xác định xây dựng “đường sắt TPHCM – Cần Thơ” đi qua TPHCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ là một trong những dự án trọng điểm quốc gia trong quá trình phát triển của TPHCM, hứa hẹn nhanh chóng tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế của Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung.

Đường sắt tốc độ cao TPHCM – Cần Thơ giúp phát triển liên kết vùng ĐBSCL. Nguồn ảnh: Liên danh tư vấn TEDI SOUTH – TRICC – TEDI

Quan hệ hữu cơ với vùng Nam bộ

Với vai trò là một trung tâm công nghiệp, hạt nhân kinh tế của vùng, TPHCM cũng là thị trường cả đầu vào và đầu ra cho nông nghiệp vùng, đồng thời làm trung tâm đầu mối hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu. Dân số thành phố khoảng 10 triệu người, nhưng hiện có thêm vài triệu người nhập cư, hầu hết từ ĐBSCL và miền Trung. Vì vậy thành phố quá tải toàn diện, kéo theo kinh tế phát triển chậm, ô nhiễm môi trường, làm cho trường học, bệnh viện, nhà ở, giao thông đều quá tải…

Tuy nhiên, TPHCM không thể một mình giải quyết bài toán khó này, vì một mặt không chủ động ngân sách, mặt khác do ở TPHCM có nhiều cơ hội việc làm và dịch vụ tốt hơn nên vẫn thu hút người lao động các nơi tìm đến. TPHCM đã nỗ lực tự xoay xở và xin Trung ương cho phép đổi mới cơ chế quản lý điều hành để giải quyết cơ bản vấn đề này. Một trong những giải pháp TPHCM đưa ra là phân bổ lại lực lượng sản xuất trên toàn miền Nam cũng như ở một số tỉnh, thành miền Trung, Tây Nguyên… nhằm giảm tải cho TPHCM. Muốn vậy, trước tiên Nhà nước cần đầu tư phát triển hạ tầng giao thông thông suốt kết nối TPHCM đến ĐBSCL và miền Trung, Tây Nguyên… Đặc biệt đối với ĐBSCL, bên cạnh hệ thống đường bộ chính là đường sắt tốc độ cao, hiện đại (đường đôi, khổ 1,435m, tốc độ 150-200km/giờ) từ TPHCM về ĐBSCL, và tiếp theo là đi miền Trung. Khi lưu thông hàng hóa thông suốt, cước phí thấp, vận tải ngày đêm liên tục đến cảng biển hoặc nơi tiêu thụ nội địa nhanh chóng, đúng giờ, an toàn cao và hành khách đi lại dễ dàng thì các doanh nghiệp sẽ đến ĐBSCL và miền Trung, Tây Nguyên, gần vùng nguyên liệu để sản xuất kinh doanh, người lao động sẽ ở lại quê mình, vào làm trong các cơ sở sản xuất gần nhà, ít tốn kém chi phí mà còn có điều kiện chăm lo xây dựng gia đình. Như vậy, việc bố trí lại lực lượng sản xuất xã hội vừa có tác động của Nhà nước vừa theo quy luật thị trường sẽ đem lại kết quả quan trọng là giải tỏa được tình thế tắc nghẽn cho cả vùng Nam bộ và quá tải cho TPHCM.

Hành khách đi tàu xuống ga Sài Gòn sau kỳ nghỉ Tết Quý Mão sáng 29-1. Ảnh: KHẢ HÒA

Bộ, ngành phải vào cuộc

Bộ Chính trị xác định “đường sắt TPHCM – Cần Thơ” là dự án trọng điểm quốc gia” và chỉ đạo “Ưu tiên đầu tư đường sắt TPHCM – Cần Thơ”. Nghị quyết 31-NQ/TW nêu rõ: “Ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông vận tải, hạ tầng năng lượng, viễn thông đồng bộ, hiện đại; hoàn thành các tuyến đường quốc lộ và hệ thống đường kết nối nội vùng, liên vùng theo quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm quốc gia, nhất là các tuyến vành đai 3, 4, các đường cao tốc, đường sắt TPHCM – Cần Thơ, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất”.

Xây dựng được tuyến đường sắt TPHCM – Cần Thơ là thêm một bước tiến quan trọng trong phát triển hệ thống đường sắt cả nước. Đồng thời giúp giảm bớt áp lực vận tải hàng hóa và hành khách từ ĐBSCL đến TPHCM. Việc khai thác quỹ đất để tạo vốn làm đường sắt tại khu vực các nhà ga cũng sẽ tạo ra cơ hội phát triển đô thị, các khu công nghiệp, khu kinh tế một cách chủ động dọc tuyến, mở ra tương lai phát triển kinh tế đa dạng cho vùng ĐBSCL.Việc đầu tư này chắc chắn sẽ tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho vùng, từ đó góp phần nâng cao đời sống nhân dân và phát triển cho cả vùng Nam bộ cũng như cả nước nói chung.

Để điều này sớm trở thành hiện thực, các bộ, ngành chức năng, đặc biệt Bộ GTVT, Bộ KH-ĐT… phải vào cuộc mạnh mẽ để thúc đẩy dự án. Riêng Bộ GTVT phải đóng vai trò chủ trì, tổ chức thực hiện bởi đây là dự án giao thông chuyên ngành, đòi hỏi kỹ thuật cao, trải dài qua nhiều tỉnh, thành.

Đồng thời, cần ưu đãi cho nhà đầu tư thực hiện dự án: thu hồi vốn sau thời gian xác định của dự án; lợi nhuận thu được đủ sức hấp dẫn vốn đầu tư dài hạn; được quyền sử dụng diện tích đất theo quy định tối đa của pháp luật phù hợp từng loại công trình, bao gồm đất để xây dựng đường sắt và đất xây dựng các công trình dân dụng sản xuất, kinh doanh, phát triển đô thị, phát triển kinh tế, khoa học công nghệ và văn hóa, xã hội.

Với Nghị quyết 31-NQ/TW, TPHCM cùng các tỉnh Nam bộ đã có điều kiện tối cần thiết để mở ra mũi đột phá đặc biệt uy lực và sáng tạo “tuyến đường sắt TPHCM – Cần Thơ”, thúc đẩy toàn vùng chuyển lên một bước phát triển mới!

ĐBSCL có quy mô sản xuất hàng hóa, nhất là nông sản rất lớn, do đó nhu cầu lưu thông hàng hóa trong vùng, từ vùng đi các tỉnh, thành khác và xuất khẩu rất cấp bách. Tuy nhiên hiện nay vận tải chỉ dựa vào đường bộ độc đạo từ TPHCM về ĐBSCL.

Trong khi đó, nông sản xuất khẩu của nước ta chủ yếu từ ĐBSCL với 90% lúa gạo, 65% thủy hải sản, trái cây… Khối lượng hàng hóa ĐBSCL năm 2020 đạt khoảng 165-170 triệu tấn, tăng bình quân hàng năm 7,5-8%.

Khối lượng hành khách ĐBSCL tăng bình quân hàng năm 8-8,5%. Do đó, một khi dự án đường sắt tốc độ cao TPHCM – Cần Thơ hình thành sẽ là động lựtc mạnh mẽ cho Nam bộ phát triển.

Theo SGGP