XÍ NGHIỆP ĐẦU MÁY HÀ NỘI

Quá trình hình thành và phát triển của Xí nghiệp được chia thành các giai đoạn gắn liền với các mốc son trong lịch sử phát triển.

GIAI ĐOẠN 1954 – 1965

HÀN GẮN VẾT THƯƠNG CHIẾN TRANH, THỰC HIỆN NHIỆM VỤ VẬN TẢI, KHÔI PHỤC KINH TẾ VÀ KẾ HOẠCH 5 NĂM LẦN THỨ NHẤT

Sau Hiệp định Genènve 1954, một số cán bộ hỏa xa từ Chiến khu Việt Bắc và từ các mặt trận khác được điều động về Phố Cò (Thái Nguyên) để chuẩn bị tiếp quản đường sắt. Ngày 9/10/1954 chính quyền cách mạng đã tiếp quản ga Hàng Cỏ (ga Hà Nội ngày nay), các Đề Pô xe lửa, toa xe một cách nhanh chóng, an toàn, đảm bảo mọi hoạt động liên tục. Trong đó có Đề Pô xe lửa Hà Nội (Nay là Xí nghiệp đầu máy Hà Nội).

Ngay sau ngày Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, yêu cầu công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, vực dậy nền kinh tế cũng như đời sống nhân dân đòi hỏi phải mau chóng khôi phục các tuyến đường giao thông, nhất là đường sắt. Từ cuối năm 1954, hàng vạn CBCNV đường sắt, bộ đội, thanh niên xung phong và nhân dân các địa phương vói sự giúp đỡ của chuyên gia Trung Quốc đã hăng hái lao động trên các công trường, nhà máy, khôi phục máy móc thiết bị phấn đấu đưa nhanh các tuyến đường sắt vào khai thác.

Ngày đầu tiếp quản Đề Pô xe lửa Hà Nội, tháng 10/1954 đ/c Đặng Văn Phước được Tổng cục Đường sắt cử về phụ trách Đề Pô xe lửa Hà Nội. Với nhiệm vụ chủ yếu: Cơ cấu lại tổ chức, điều hành sản xuất, sửa chữa, khôi phục đầu máy phục vụ kịp thời yêu cầu vận tải của Ngành. Trong thời gian này, tổng số CBCNV có trên 200 người (chủ yếu bộ máy nhân sự của chế độ cũ để lại).

Trong thời gian này đầu máy kéo tàu hàng và tàu khách chỉ chạy được từ Hà Nội – Thượng Lý và Hà Nội đến Văn Điển; Tháng 2 năm 1955, Ngành khôi phục xong đường tuyến Lạng Sơn và đầu máy vận hành đến Đồng Đăng bằng đầu máy P400 của Trung Quốc viện trợ.

* Từ tháng 5/1955 -1960:

– Tháng 6/1955 đoàn chuyên gia Trung Quốc sang giúp tổ chức lại mô hình sản xuất, Đề Pô xe lửa Hà Nội được lấy tên “Đoạn đầu máy Hà Nội”. Tổng số CBCNV có trên 500 người. Nhiệm vụ chủ yếu là sửa chữa và vận hành đầu máy hơi nước trên các tuyến đường sắt phía bắc.

– Trong thời gian này, với sự giúp đỡ của Trung Quốc vừa viện trợ vừa khôi phục lại cho Đoạn đầu máy Hà Nội những đầu máy cũ của Pháp để lại, Đoạn đầu máy Hà Nội có tất cả trên 50 đầu máy hơi nước các loại, trong đó: 30 đầu máy P400; 2 đầu máy loại 300s; 9 đầu máy Pacific P500 và 10 đầu máy Micado P.141-100.

*Từ năm 1960 – 1965:

– Trong thời gian này, Đoạn đầu máy Hà Nội nhanh chóng cùng ngành Đường sắt, đơn vị mũi nhọn của ngành Giao thông vận tải đáp ứng yêu cầu xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở Miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà. Quán triệt chủ trương của Đảng uỷ Đường sắt Việt Nam: “Vận chuyển hàng hoá, hành khách là nhiệm vụ trung tâm, sửa chữa đầu máy là khâu trọng yếu”. CBCNV Đoạn đầu máy Hà Nội đã đoàn kết, không ngừng học tập, nâng cao trình độ, thúc đẩy sản xuất, từ đó Đoạn đầu máy Hà Nội không ngừng phát triển.

– Với chức năng quản lý, vận hành và sửa chữa đầu máy xe lửa phục vụ vận tải đường sắt; Nhiệm vụ: kéo tàu hàng và tàu chở khách trên 5 tuyến đường sắt từ Vinh trở ra: Hà Nội – Vinh; Hà Nội- Hải Phòng; Hà Nội- Thái Nguyên; Hà Nội-Đồng Đăng; Hà Nội- Lào Cai. Tổng số CBCNV trong thời gian này là 1000 người

Trong lao động, sản xuất và phong trào thi đua đã xuất hiện tổ lái máy 424, một trong những Tổ lao động XHCN đầu tiên của ngành Đường sắt. Cũng trong giai đoạn này, 2 công nhân của đơn vị được Nhà nước tuyên dương Anh hùng Lao động: Lê Minh Đức (1958) và Lý Văn Du (1962). Đơn vị đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, phục vụ sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa Xã Hội ở Miền Bắc, tích cực vận chuyển người, lương thực, vũ khí… chi viện cho tiền tuyến Miền Nam./.

GIAI ĐOẠN 1965 – 1975

PHỤC VỤ VẬN TẢI TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC

Ngày 5/8/1964, sau khi dựng lên sự kiện “Vịnh Bắc Bộ”, Đế quốc Mỹ bắt đầu đánh phá Miền Bắc hòng ngăn chặn chi viện của hậu phương Miền Bắc cho chiến trường Miền Nam, trong đó đường sắt là trọng điểm của chúng, đây là thời kỳ CBCNV của Đoạn đầu máy Hà Nội phải đối mặt với nhiều thử thách, hy sinh lớn nhất. Các trọng điểm Cầu Giát, Hàm Rồng, Đò Lèn, Hoàng Mai đến Lưu Xá, Thái Nguyên, Hà Nội, Long Biên, Cầu Đuống, Yên Viên… đã hứng chịu hàng ngàn tấn bom đạn của giặc Mỹ, đến năm 1968, tất cả các tuyến đường sắt đều trở thành trọng điểm đánh phá của địch, đặc biệt tại khu đoạn Thanh Hoá – Vinh, giặc Mỹ đã kết hợp cả hải quân, không quân ném xuống khu vực này 7600 quả bom chủ yếu là đánh phá đường sắt, trong 4 năm (từ 1965 -1968) giặc Mỹ đã phá huỷ 430 cầu, 190 km đường sắt, 30 đầu máy, 266 toa xe, 539 goòng, 758 công nhân và thanh niên xung phong đường sắt đã hy sinh, hàng ngàn người bị thương.

Bất chấp mưa bom bão đạn, với khẩu hiệu “Qua sông không cầu, chạy tàu không ga” và “Địch phá ta cứ đi – Địch phá ta sửa ta đi…”. Cùng với nỗ lực chung của CBCNV ngành Đường sắt, những công nhân lái máy của Đoạn đầu máy Hà Nội (tên đơn vị lúc đó) vẫn bằng mọi cách đưa tàu đến đích. Đặc biệt, Tổ Lái máy 424 kéo đoàn tàu quân sự chở súng đạn chạy từ Ninh Bình vào Thanh Hoá đến cầu Đò Lèn bị máy bay Mỹ phát hiện, chúng điên cuồng thả bom và bắn rốc két vào đoàn tàu, nhưng ban máy không hề nhụt chí, vẫn kiên cường, dũng cảm vững tay lái điều khiển đoàn tàu lúc nhanh, lúc chậm, lúc lùi để tránh làn bom của địch. Tuy đầu máy bị hư hỏng do bom Mỹ, 2 trong 3 người của ban máy đã bị thương nặng nhưng các anh đã đưa đoàn tàu đến đích an toàn.

Một trong những niềm tự hào đáng kể nhất của đơn vị lúc đó là: Đoạn đầu máy Hà Nội được Bộ GTVT tin tưởng giao nhiệm vụ tổ chức một ban máy kéo 20 chuyến tàu hoả bí mật chở tên lửa và máy bay do Liên Xô viện trợ từ Mục Nam Quan qua Đồng Đăng về sân bay Bạch Mai an toàn. Ngoài ra Đơn vị đã tiếp nhận, vận chuyển vũ khí, khí tài cho 2 trung đoàn tên lửa gồm hàng trăm xe cơ giới và bệ phóng tên lửa ròng rã một năm. Anh hùng Lao động Lý Văn Du là người trực tiếp lái đoàn tàu này mang biệt danh 210 về đến điểm tập kết an toàn dưới làn bom đạn của giặc Mỹ.

Các trọng điểm trên các tuyến đường sắt như Bắc Giang, Sông Hoá, cầu Lai Vu, Phú Lương, Cầu Họ, Hàm Rồng… bị Mỹ đánh phá ác liệt. Để hoàn thành nhiệm vụ vận tải, bảo vệ những đoàn tàu chở vũ khí, đạn dược, lương thực, bộ đội… nhiều công nhân lái máy của đơn vị đã anh dũng hy sinh như: như các liệt sy Hoàng Minh Phấy, Lê Thái Đàm, Vũ Hữu Xuyên, Lê Văn Nho, Phạm Quang Thông…

Đường sắt bị đánh phá ác liệt, thực hiện chủ trương “Phá thế độc tuyến” của ngành Đường sắt khi bị đánh phá hỏng cầu đường, những chiến sỹ tự vệ tài xế của đơn vị vẫn lái tàu vượt sông bằng cầu tạm, duy trì vận tải thông suốt. Tiêu biểu là Ban lái máy Phạm Hữu Hy, Nguyễn Văn Lộc, Hoa Văn Cảnh dù đã bị thương vì bom Mỹ vẫn không rời đầu máy đã thay nhau lái, đưa đoàn tàu chở vũ khí đạn dược đến đích an toàn là biểu tượng cao đẹp của Chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Năm 1967, với thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ vận tải chi viện cho chiến trường Miền Nam, Tổ Lái máy 424 của đơn vị đã vinh dự được Nhà nước tuyên dương danh hiệu “Tập thể Anh hùng Lao động”.

Trong 4 năm giặc Mỹ đánh phá Miền Bắc (1965 – 1968) với nỗ lực cao của mình, CBCNV Đoạn đầu máy Hà Nội đã vận chuyển 1.795.000.000 tấn vũ khí, khí tài và lương thực, 1.980.000.000 bộ đội, thanh niên xung phong và hành khách, góp phần đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ vận tải chỉ viện cho tiền tuyến lớn Miền Nam, cùng toàn Quân, toàn Dân đánh bại âm mưu chiến lược của đế quốc Mỹ trong đợt đánh phá Miền Bắc (lần thứ nhất).

Tháng 4/1972, đế quốc Mỹ lại leo thang đánh phá Miền Bắc lần thứ hai. Với cường độ ác liệt hơn, đường sắt lại một lần nữa trở thành trọng điểm hứng chịu bom đạn của giặc Mỹ. Ngày 10/4/1972, Mỹ đánh phá ga Vinh cùng hệ thống đường sắt trên các tuyến. Bị thất bại nặng nề, ngày 18/12/1972 giặc Mỹ tiến hành đánh phá ác liệt nhất vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác trên Miền Bắc. Để đảm bảo an toàn và duy trì sản xuất, Đoạn đầu máy Hà Nội vận chuyển hàng trăm tấn thiết bị, máy móc đến nơi sơ tán. Thực hiện chỉ thị của Đảng trong công tác đảm bảo giao thông và vận tải thông suốt trong bất kỳ tình huống nào. Đơn vị đã xây hầm, cất dấu đầu máy ở các khu đầu mối như Yên Viên, Nam Định, Thanh Hóa, Vinh, nhằm mục đích bảo toàn đầu máy và kéo hàng chuyển tiếp nếu cầu hoặc đường bị bom Mỹ đánh hỏng, trong khi đó gần 300 cán bộ, chiến sỹ tự vệ vẫn bám trụ vừa sản xuất vừa chiến đấu.

Đặc biệt, trong suốt 12 ngày đêm ác liệt của trận “Điện Biên Phủ trên không”, Lực lượng Tự vệ của Xí nghiệp đã cùng với Quân và Dân Hà Nội đã chiến đấu với lực lượng không quân hiện đại nhất của Mỹ, 2 khẩu đội súng phòng không 14 ly 5 của tự vệ đơn vị thường trực chiến đấu suốt ngày đêm, ăn, ngủ tại chiến hào, luôn ở vị trí sẵn sàng chiến đấu và đã chiến đấu dũng cảm, tiêu diệt một máy bay ‘Thần sấm” F105 của giặc Mỹ. Mặc dù nằm trong vùng trọng điểm đánh phá của giặc Mỹ tại Hà Nội, giữa hai nhà ga trung tâm (Hàng cỏ và Giáp Bát) là đầu mối giao thông quan trọng và là mục tiêu số một của máy bay Mỹ, gần 2000 CBCNV của đơn vị vẫn bám trụ, làm công sự bảo vệ máy móc, sản xuất ngày đêm dưới làn bom đạn địch, nhiều đầu máy đã được xuất xưởng đưa ra vận chuyển được ngay, phục vụ liên tục cho đường sắt vận tải hàng hoá, bộ đội,vũ khí vào Nam. Những công nhân lái máy của đơn vị vẫn lên đường vượt qua bom đạn,duy trì mạch máu giao thông thông suốt. Thắng lợi của trận “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12/1972 của Quân và Dân Thủ Đô đã có sự đóng góp rất lớn bằng xương máu của CBCNV ngành Đường sắt nói chung và của CBCNV Đoạn đầu máy Hà Nội nói riêng.

Năm 1973, Đoạn đầu máy Hà Nội đã có trên 70 CBCNV tình nguyện vào chiến trường Miền Nam làm đường Trường Sơn và tham gia công tác vận tải góp phần giải phóng hoàn toàn Miền Nam thống nhất đất nước năm 1975. Số CBCNV thực hiện nghĩa vụ quân sự: 590 người; Số liệt sỹ của đơn vị đã hy sinh trong lúc thực hiện nhiệm vụ: 18 người; thương binh: 6 người.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ sản xuất chiến đấu của đơn vị, dẫu còn bề bộn những khó khăn, ngoài việc hoàn thành nhiệm vụ của mình, Đoạn đầu máy Hà Nội còn tích cực hỗ trợ, giúp đỡ các đơn vị bạn trong Ngành cùng hoàn thành nhiệm vụ. Trong những năm chiến tranh và những ngày đầu kết thúc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, Đơn vị đã điều chuyển trên 500 cán bộ lãnh đạo, công nhân lành nghề chuyển sang hỗ trợ cho các đơn vị bạn (Đoạn đầu máy Vinh, Đoạn đầu máy Hữu Nghị…).

Từ năm 1968 đến 1974: Tổng số CBCNV xấp xỉ 2.700 người

GIAI ĐOẠN 1975 – 1985

KHÔI PHỤC VÀ PHÁT TRIỂN VẬN TẢI PHỤC VỤ SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG KINH TẾ

Thực hiện Quyết định số 166-HĐBT, ngày 24/4/1982, về việc chấn chỉnh một bước tổ chức quản lý ngành Giao thông vận tải. Trên cơ sở đó, Bộ giao thông vận tải ra Quyết định “Tổng cục Đường sắt hoạt động như Liên hiệp các xí nghiệp Đường sắt Việt Nam”. Với chức năng liên hiệp các xí nghiệp vận tải, Tổng cục Đường sắt tổ chức lại có 05 Công ty vận tải khu vực và các xí nghiệp chuyên ngành khu vực (Đầu máy, toa xe, cầu đường, thông tin tín hiệu). Từ đó “Đoạn đầu máy Hà Nội” được đổi tên thành “Xí nghiệp đầu máy Hà Nội” trực thuộc Tổng cục Đường sắt.

Trong giai đoạn này, đơn vị vừa thực hiện nhiệm vụ vận tải, vừa tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, từng bước cải tạo, xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư kỹ thuật để nâng cao năng lực vận tải, đơn vị đã liên tục hoàn thành vượt mức kế hoạch hàng năm (đơn cử năm1976, sản lượng vận tải tăng từ 11 đến 14%) đơn vị được tặng thưởng cờ Luân lưu Chính phủ và được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. CBCNV của đơn vị tiếp tục ra sức khắc phục mọi khó khăn, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, thay đổi biện pháp quản lý chỉ đạo sản xuất, đạt nhiều thành tích to lớn (năm 1980 sản lượng sửa chữa đầu máy tăng 21% so với kế hoạch. Năm 1983, CBCNV Xí nghiệp đầu máy Hà Nội ky chữa thành công nhiều đầu máy GP6 chạy đường lm435, góp phần giải quyết khó khăn về sức kéo tuyến phía bắc. Cuối năm 1983 Giám đốc xí nghiệp Trần Văn Điều được suy tôn Chiến sỹ thi đua toàn quốc và được tặng thưởng Huân chương LĐ hạng Ba, tài xế Trịnh Hanh, tổ trưởng Tổ Lái máy 208 Anh hùng (Chuyển giao danh hiệu từ tổ LM 424) được tuyên dương Anh hùng Lao động; Đơn vị được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì.

Cùng với xây dựng và phát triển năng lực sản xuất kinh doanh của đơn vị, góp sức cùng toàn ngành kiện toàn, ổn định tổ chức và phát triển, mặc dù còn rất nhiều khó khăn cả về nhân lực cũng như trang thiết bị sản xuất, sức kéo. Chấp hành sự điều động của Ngành, Xí nghiệp đã cử nhiều cán bộ lãnh đạo, công nhân lành nghề, chuyển giao thiết bị, đầu máy tăng cường cho các đơn vị bạn, do đó chỉ một thời gian ngắn sau giải phóng hoàn toàn Miền Nam, các xí nghiệp đầu máy mới được thành lập như Xí nghiệp đầu máy Đà Nẵng, Xí nghiệp đầu máy Sài Gòn đã nhanh chóng ổn định và đi vào hoạt động, đáp ứng tốt yêu cầu vận tải.

Từ năm 1974 đến 1989: Tổng số CBCNV xấp xỉ 2.400 người.

GIAI ĐOẠN 1985 ĐẾN NAY

PHÁT TRIỂN XÂY DỰNG CƠ SỞ VẬT CHẤT, KỸ THUẬT, ĐỔI MỚI SỨC KÉO, CẢI TIẾN QUẢN LÝ, NÂNG CAO NĂNG LỰC VẬN TẢI, ĐÁP ỨNG SỰ NGHIỆP ĐỔI MỚI VÀ HỘI NHẬP

Ngành Đường sắt Việt Nam bước vào năm 1985 và những năm tiếp theo gặp vô vàn khó khăn, thử thách mà Xí nghiệp đầu máy Hà Nội không phải ngoại lệ. Những hậu quả của khủng hoảng do cuộc tổng điều chỉnh Giá – Lương – Tiền; Cơ chế hạch toán tập trung bao cấp, thời kỳ đó, Xí nghiệp đầu máy Hà Nội đứng trước nhiều thách thức cũng được đặt ra, nhiệm vụ chính là kéo tàu tuyến phía Bắc từ Vinh trở ra, nhưng biểu đồ chạy tàu thường xuyên bị xáo trộn do hành trình của các đoàn tàu hầu như không biết đến khái niệm đúng giờ, có nhiều chuyến từ Hà Nội – Thanh Hóa mất 30 giờ, tàu khách Hà Nội – Hải Phòng chạy mất 5-6 giờ. Từ năm 1981 chiếc đầu máy Diezel Đông phương hồng cuối cùng trong 10 chiếc của Trung Quốc ngừng hoạt động do thiếu phụ tùng để khối phục. Khó khăn chồng chất khổ khăn, cơ sở vật chất yếu kém, đời sống CBCNV vô cùng bấp bênh. Tất cả các máy công cụ: máy tiện, phay, bào… đang sử dụng được sản xuất từ 1947 – 1949 chưa được thay thế, xí nghiệp còn lại 100% đầu máy hơi nước cũ kỹ, lạc hậu hỏng hóc nhiều, than chạy tàu thiếu và kém chất lượng, xí nghiệp có sáng kiến dùng than xấu (Than cám, bột than đá) kết hợp phun dầu thải công nghiệp “Dầu FO” để đốt lò, góp phần quan trọng vào nâng cao năng lực vận tải của Ngành.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) ngành Đường sắt Việt Nam chuyển mình theo một hướng mới: Xoá bỏ bao cấp, thực hiện hạch toán kinh doanh trong vận tải, không ngừng nâng cao chất lượng chạy tàu, lấy lại lòng tin của nhà nước, của nhân dân. Trong bối cảnh đó, do được trao quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh, Xí nghiệp đầu máy Hà Nội đã tập trung phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, nâng cao năng lực vận tải. Nhiều nhà xưởng được xây mới, nhiều máy móc thiết bị được lắp đặt. Năm 1985 ngành Đường sắt có chủ trương Diezel hóa sức kéo và đơn vị được trang bị một số đầu máy Diezel qua từng giai đoạn, dần dần thay thế hoàn toàn đầu máy hơi nước nên năm 1985 được trang bị 4 đầu máy TU7E.

Ngày 9/3/1989, Bộ giao thông vận tải ra Quyết định số 366/QĐ/TCCB-LĐ thành lập ba Xí nghiệp Liên hợp vận tải Đường sắt khu vực: I; II; III.

Ngày 10/3/1989, Tổng cục Đường sắt ban hành Quyết định số 214/ĐS, chuyển Xí nghiệp đầu máy Hà Nội từ trực thuộc Tổng cục Đường sắt đặt trực thuộc Xí nghiệp Liên hợp vận tải Đường sắt khu vực I và thực hiện từ ngày 01/4/1990.

Ngày 10/4/1990, Bộ GTVT ra Quyết định số 575-QĐ/TTCB-LĐ chuyển Tổng cục Đường sắt thành Liên hiệp Đường sắt Việt Nam trực thuộc Bộ giao thông vận tải.

Ngày 4/3/2003, Chính phủ ban hành Quyết định số 34/2003/QĐ-TTg thành lập Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/7/2003, theo đó, Công ty vận tải hành khách Đường sắt Hà Nội được thành lập để thay thế Xí nghiệp Liên hợp vận tải Đường sắt khu vực I và Xí nghiệp đầu máy Hà Nội vẫn trực thuộc Công ty vận tải hành khách Đường sắt Hà Nội.

Giữa năm 2007, Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam ra Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐQT về việc thành lập Liên hiệp sức kéo Đường sắt. Ngày 29/8/2008 Hội đồng quản trị TCT Đường sắt Việt Nam ban hành Quyết đinh số 1022/QĐ-ĐS, về việc thành lập Chi nhánh tổng công ty Đường sắt Việt Nam – Liên hiệp sức kéo Đường sắt. Liên hiệp sức kéo Đường sắt chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/10/2008 trên cơ sở hợp nhất 5 xí nghiệp đầu máy và Công ty Xe lửa Gia Lâm, trong đó có Xí nghiệp đầu máy Hà Nội, nhằm chuyên môn hóa cao trong điều hành sức kéo.

Ngày 25/6/2010, Chính phủ ban hành Quyết định số 973/QĐ-TTg chuyển Công ty mẹ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, tên gọi đầy đủ là: Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, tên gọi tắt là Đường sắt Việt Nam.

Ngày 21/3/2014, Tổng công ty ban hành Quyết định số 275QĐ-ĐS, Quyết định phê duyệt chấm dứt hoạt động của Liên hiệp sức kéo Đường sắt – Chi nhánh Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Ngày 31/3/2014, Công ty Vận tải hành khách Đường sắt Hà Nội ban hành QĐ số 387/QĐ-KHN tiếp nhận Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội từ ngày 01/4/2014.

* Từ năm 2005-2010:

Năm 2005 Xí nghiệp Đầu máy hà Nội chuyển giao toàn bộ khu vực Yên Viên sát nhập vào Xí nghiệp đầu máy Yên Viên (XN đầu máy Hà Lào); Tổng số CBCNV còn xấp xỉ 1.100 người.

* Từ năm 2010 đến tháng 5/2015: Tổng số CBCNV trên 800 người.

* Từ tháng 6/2015 đến nay:

Ngày 01/10/2015 Xí nghiệp từ Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội chuyển về trực thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam với tên gọi đầy đủ là “Chi nhánh Tổng công ty Đường sắt Việt Nam – Xí nghiệp đầu máy Hà Nội”. Trong thời gian này, Tổng số CBCNV 734 người (Tháng 12/2015).

* Thời điểm hiện tại (tháng 9/2021) tổng số CBCNV của Xí nghiệp là 560 người

* Một số thành tích tiêu biểu của Xí nghiệp qua các thời kỳ

– Năm 1967: Tổ lái máy 424 được tuyên dương tập thể Anh hùng Lao động

– Năm 1976: Xí nghiệp được tặng thưởng Cờ luân lưu của Chính phủ; Huân chương Lao động hạng ba;

– Năm 1983: Xí nghiệp được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì (QĐ số 407/HĐND, ngày 16/12/1983

– Năm 1987: Xí nghiệp được tặng thưởng Cờ luân lưu của Chính phủ (QĐ số 25/CT, ngày 5/2/1987)

– Năm 1990: Xí nghiệp được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba (QĐ số 447 KT-HĐND, ngày 5/10/1990)

– Năm 1996: Xí nghiệp được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba (QĐ số 744KT/CTN, ngày 17/1/1996)

– Năm 1997: Xí nghiệp được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba (QĐ số 1207KT/CTN, ngày 21/4/1997)

– Năm 2005: Xí nghiệp được tặng thưởng Huân Chương chiến công hạng ba (QĐ số 1020/2005 QĐ/CTN ngày 21/4/2005)

– Năm 2010: Xí nghiệp được tặng thưởng đơn vị Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân (QĐ số 211/QĐ-CTN, ngày 22/02/2010)

– Năm 2015: Xí nghiệp được tặng thưởng Cờ Thi đua của Chính phủ (QĐ số 2514/QĐ-TTg, 31/12/2015)

– Năm 2016: Xí nghiệp được tặng thưởng Huân chương LĐ hạng Nhì QĐ SỐ 1981-QĐ/CTN, ngày 13/9/2016 của Chủ tịch nước (Giai đoạn 2011 – 2015)

*  Định hướng phát triển của Xí nghiệp trong những năm tới:

– Phấn đấu giữ vững mức tăng trưởng hàng năm về các chỉ tiêu sản lượng, chỉ tiêu chất lượng trong vận dụng chạy tàu và sản xuất kinh doanh.

 Từng bước chuẩn hoá trong sửa chữa, vận dụng chạy tàu để nâng cao chất lượng vận dụng an toàn – đúng giờ.

– Nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý kinh tế – kỹ thuật, mở rộng đầu tư cơ sở hạ tầng, đáp ứng mặt bằng nhà xưởng, thiết bị phục vụ sửa chữa hiện tại và tương lai.

– Tích cực đầu tư  về nhân lực – vật lực: chăm lo phát triển đội ngũ cán bộ KHKT trẻ, cán bộ quản lý, nghiệp vụ, công nhân kỹ thuật đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn lực cho các giai đọan phát triển mới.

Mở rộng và phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh khác dựa trên năng lực hiện có của xí nghiệp nhằm tăng nguồn thu cho Xí nghiệp, phục vụ tốt các nhu cầu xã hội.

– Giữ vững an toàn chạy tàu, ATLĐ, PCCN …