Kịp thời điều chỉnh cước vận tải hàng hóa để đảm bảo lợi ích cho khách hàng

Mới đây, Tổng công ty Đường sắt VN đã chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải đường sắt trực thuộc chủ động điều chỉnh giá cước vận tải hàng hóa đường sắt theo biến động giá nhiên liệu và yêu cầu SXKD. Tuy nhiên, phải thông báo trước, công khai, rõ ràng với khách hàng. Nhất là khi giá nhiên liệu giảm, phải có giải pháp giảm cước kịp thời.

Ông Dương Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Dịch vụ vận tải đường sắt Hải Phòng cho biết, công ty là khách hàng truyền thống của đường sắt nhiều năm qua chuyên thuê vận chuyển hàng quá cảnh giữa cảng Hải Phòng và Trung Quốc.

Từ đầu năm đến nay, giá nhiên liệu biến động liên tục nên đường sắt cũng tăng, giảm giá cước vận tải hàng hóa đường sắt nhiều đợt. Tuy nhiên, gần đây tổng tỷ lệ tăng là 5% và tổng tỷ lệ giảm cũng 5%, nên giá cước đã trở về như trước. Cụ thể từ ngày 15/7, đường sắt giảm 3% giá cước phổ thông nguyên toa, giá cước tính sẵn đối với các mặt hàng vận chuyển tại các ga trong phạm vi từ ga Kim Liên trở ra các ga phía Bắc vận chuyển đi các ga trên các tuyến đường sắt. Từ ngày 5/8, tiếp tục giảm 2% giá cước. Như vậy, tổng cộng giảm 5% so với giá cước tháng 6/2022.

“Thực tế, việc tăng, giảm giá cước đường sắt không cao nên ít ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tất nhiên, việc tăng giá cước dù ít, dù nhiều cũng ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của DN”, ông Hùng nói và cho biết thêm: Với các hợp đồng, khách hàng lớn, nhất là khách hàng nước ngoài, chúng tôi thường ký hợp đồng với thời gian thực hiện cả năm, ít nhất cũng 6 tháng, trong đó điều khoản về giá dịch vụ, bao gồm giá cước vận chuyển là cố định.

Khi giá nhiên liệu biến động liên tục như hiện nay, chúng tôi rất khó điều chỉnh. Giá cước tăng lắt nhắt, chúng tôi không tăng giá theo được, đành chịu phần “rủi ro” này để giữ uy tín với khách hàng, coi như làm không có công hoặc ít công.

Trừ khi giá cước đường sắt tăng quá cao, chúng tôi mới thương thảo tăng giá với khách hàng nhưng cũng mất nhiều thời gian. Còn khi giá cước giảm, chúng tôi lại giảm giá dịch vụ cho khách”, ông Hùng cho hay.

Bà Nguyễn Thị Hải Yến, Phó giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sóng Thần cho biết, khi giá dầu tăng cao, cước vận tải hàng hóa đường sắt đến ngày 17/6/2022 đã tăng đến 5%; Khi giá dầu giảm, đến ngày 5/8/2022 cước đường sắt cũng giảm đến 5%.

“Đến nay việc tăng, giảm cước đường sắt không ảnh hưởng nhiều đến các chủ hàng. Tất nhiên, không ai muốn cước tăng cả nhưng do khách quan. Hơn nữa, khi giá nhiên liệu tăng, đường sắt đã giữ giá cũ trong thời gian tương đối, khi giá nhiên liệu giảm, đường sắt kịp thời giảm giá cước nên chủ hàng cũng thông cảm”, bà Yến nói.

Sẽ tiếp tục điều chỉnh theo biến động thị trường  

Đại diện Công ty CP Vận tải và thương mại đường sắt (Ratraco) cho hay, riêng từ đầu tháng 8 đến nay, công ty đã giảm giá cước hàng hóa trên đường sắt 8-10%; Còn tính cả giai đoạn giá nhiên liệu bắt đầu “hạ nhiệt” đến nay giá cước sau nhiều lần giảm đã giảm sâu đến 19-20%.

Đường sắt sẽ tiếp tục điều chỉnh giá cước vận tải theo giá nhiên liệu

“Đối với vận tải đường sắt, nếu chỉ tính giá cước hàng chạy trên đường sắt từ ga đến ga không cao, giá vận tải còn bao gồm nhiều chi phí dịch vụ, hậu cần khác như chi phí bốc xếp, lưu kho, vận tải đường ngắn bằng ô tô hai đầu…

Do đó, để việc thực hiện hợp đồng vận tải, dịch vụ trọn gói được thuận lợi, ngay trong điều khoản hợp đồng, công ty và khách hàng đã thống nhất chi phí nhiên liệu chiếm tỷ lệ 35% giá dịch vụ.

Vì thế, khi giá nhiên liệu tăng, giảm tỷ lệ bao nhiêu thì chi phí này sẽ tự động tăng, giảm với tỷ lệ tương ứng. Chẳng hạn, giá nhiên liệu trên thị trường giảm 3% thì chi phí nhiêu liệu trong giá dịch vụ giảm 3%…”, đại diện Ratraco nói.

Ông Đỗ Văn Hoan, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, đường sắt bám sát biến động giá xăng dầu để điều chỉnh giá cước phù hợp, linh hoạt để hài hòa lợi ích khách hàng. Từ 15/7/2022 đến nay, công ty đã giảm tổng cộng 5% giá cước vận tải hàng hóa trên các tuyến đường sắt.

Giá cước vận tải hàng hóa đường sắt được xây dựng cho cả năm và gửi đến các khách hàng ngay từ cuối năm trước. Giá cước này được xây dựng cho từng loại hàng, loại toa xe, mác tàu, đoạn tuyến vận chuyển… Do đó, khi tăng, giảm giá cước hàng hóa do biến động giá nhiên liệu, về thực chất là tăng, giảm phụ thu giá nhiên liệu.

Khi giá nhiên liệu tăng cao đỉnh điểm vào tháng 6, sau nhiều lần điều chỉnh tăng giá cước thì tổng tỷ lệ tăng khi đó là 15%. Khi giá nhiên liệu giảm, giá cước lại điều chỉnh giảm, tuy nhiên chưa trở lại giá cước trước khi tăng vì giá nhiên liệu chưa giảm về bằng thời điểm đầu năm 2022.

Giá dầu diezen hiện nay 22.900 đồng/lít, vẫn bằng 136% so với giá cuối tháng 12/2022, cụ thể giá ngày 25/12/2021 là 17.570 đồng/lít. Đường sắt sẽ tiếp tục theo dõi biến động giá nhiên liệu để có điều chỉnh giá cước phù hợp.

Giá cước hàng tàu chuyên tuyến giữa Yên Viên, Giáp Bát – Sóng Thần dao động trong khoảng 12-18 triệu đồng/toa/lượt tùy theo chủng loại toa xe, mác tàu, ngày xuất phát. Ngoài ra, đường sắt có các chính sách ưu đãi, giảm giá cước riêng.

Theo:vr.com.vn