Ngành Du lịch và Đường sắt bắt tay hợp tác phát triển

Chiều 9/7, tại Ga Hà Nội đã diễn ra Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và Tổng Công ty đường sắt Việt Nam. Dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong; Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy; Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh; Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Đặng Sỹ Mạnh.

Sự kiện này còn có ý nghĩa hơn khi được tổ chức đúng vào ngày kỷ niệm 64 năm ngành ngày thành lập ngành Du lịch Việt Nam, 9/7/1960 – 9/7/2024.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong khẳng định, việc ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và Tổng Công ty đường sắt Việt Nam là một bước đi chiến lược, nhằm thắt chặt sự hợp tác giữa hai ngành Du lịch và Đường sắt trong sự phát triển của đất nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả kinh doanh dịch vụ, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và du khách.

Theo Thứ trưởng Hồ An Phong, du lịch và giao thông vận tải là hai lĩnh vực có mối quan hệ mật thiết và tương hỗ lẫn nhau. Việc phát triển du lịch không thể tách rời khỏi sự phát triển của hệ thống giao thông, trong đó có giao thông đường sắt – một phương tiện di chuyển an toàn, hiệu quả và mang lại nhiều trải nghiệm đặc biệt cho du khách. Biên bản ghi nhớ được ký kết hôm nay không chỉ đánh dấu sự cam kết hợp tác của hai ngành mà còn mở ra nhiều cơ hội mới để thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.

“Tôi đánh giá cao sự nỗ lực và quyết tâm của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch hợp tác này. Đây là một minh chứng rõ ràng cho sự phối hợp hiệu quả giữa hai bên, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước”, Thứ trưởng Hồ An Phong nhấn mạnh.

Tại buổi lễ, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh khẳng định, Lễ ký kết là một sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, mở ra trang mới trong mối quan hệ hợp tác giữa hai ngành du lịch và đường sắt.

Những năm qua, ngành Du lịch Việt Nam đã nỗ lực đạt được những thành tựu, kết quả vượt bậc, góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến yêu thích của du khách quốc tế và nội địa.

Năm 2023, du lịch Việt Nam đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế; 6 tháng đầu năm 2024 đã đón hơn 8,8 triệu lượt khách quốc tế, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn 4,1% so với cùng kỳ năm 2019 (trước đại dịch COVID-19). Khách du lịch nội địa đạt 66,5 triệu lượt, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 46,5% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng thu từ khách du lịch 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 436.500 tỷ đồng.

“Có được kết quả trên là không chỉ là sự cố gắng phấn đấu của ngành du lịch mà còn nhờ sự phối hợp, hỗ trợ của các ngành, các cấp, nhất là ngành Giao thông vận tải, trong đó có Đường sắt Việt Nam với vai trò không chỉ là phương tiện vận chuyển an toàn, tiện lợi mà còn góp phần tạo nên những trải nghiệm du lịch độc đáo và khó quên cho du khách, cùng kết hợp tạo thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn khách du lịch – du lịch đường sắt”, ông Nguyễn Trùng Khánh bày tỏ.

“Tôi kỳ vọng rằng, thông qua sự hợp tác chặt chẽ này, chúng ta sẽ khai thác hiệu quả tiềm năng to lớn của hệ thống đường sắt, không chỉ giúp gia tăng lượng khách du lịch mà còn nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ du lịch mới mẻ và hấp dẫn kết hợp với hệ thống vận tải đường sắt dọc theo chiều dài đất nước.

Du lịch bằng đường sắt không chỉ mang đến những trải nghiệm mới lạ, thú vị cho du khách mà còn góp phần làm đa dạng các loại hình sản phẩm du lịch. Hệ thống đường sắt giúp kết nối các địa phương, điểm đến trên khắp cả nước, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách khám phá vẻ đẹp của từng vùng miền. Đây chính là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển du lịch các địa phương, gắn kết các điểm đến và tạo ra những sản phẩm du lịch liên tuyến, liên vùng hấp dẫn, đa dạng”, ông Nguyễn Trùng Khánh nói.

Phát biểu tại buổi Lễ, ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cho biết: Với lợi thế sở hữu một hệ thống đường sắt dài hơn 3.000km đi qua 34 tỉnh, thành phố trong đó có nhiều cung đường đẹp để du khách có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Việt Nam qua ô cửa tàu, với nhiều nhà ga nằm tại các trọng điểm du lịch quốc gia, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam mong muốn biến hành trình đi tàu của hành khách là một trải nghiệm, là một phần của chuyến du lịch.

Trong thời gian vừa qua, Tổng Công ty đã liên tục cải tiến, sáng tạo nâng cao chất lượng dịch vụ và đưa ra nhiều sản phẩm mới phục vụ hành khách. Hàng loạt các sản phẩm mới hướng đến phục vụ khách du lịch như tàu chất lượng cao SE19-20; SE20-21; Tàu kết nối di sản Huế – Đà Nẵng; Tàu đêm Đà Lạt – Trại Mát; Tàu Food-tour Hà Nội – Hải Phòng… đã được nhân dân và khách du lịch đón nhận. Cùng với đó, Tổng Công ty đã tổ chức các hoạt động văn hóa, ẩm thực, nghệ thuật tại các nhà ga để biến nhà ga thành “điểm đến” cho nhân dân và hành khách. Năm 2024 chứng kiến xu hướng bùng nổ trong việc lựa chọn đường sắt là phương tiện để đi du lịch.

Để hoạt động vận tải đường sắt đóng góp nhiều hơn nữa vào hoạt động du lịch của quốc gia, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam theo các nội dung đã ký kết. Ông Đặng Sỹ Mạnh hy vọng sự hợp tác này sẽ đem lại nhiều lợi ích cho khách du lịch trong và ngoài nước, góp phần cùng ngành du lịch thực hiện mục tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo nội dung ký kết hợp tác, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sẽ phối hợp truyền thông, quảng bá các điểm đến du lịch Việt Nam và hình ảnh của đường sắt Việt Nam thông qua các trang web và các mạng xã hội của hai bên. Hỗ trợ tổ chức các hội chợ du lịch, hội thảo thương mại – du lịch, famtrip, presstrip, các sự kiện đón khách du lịch đầu năm, lễ hội văn hóa, du lịch, ẩm thực tại các địa phương…

Hợp tác trong công tác chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng phục vụ và trải nghiệm của khách du lịch bằng đường sắt. Tích hợp hệ thống chuyển đổi số của hai bên, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch sử dụng các dịch vụ và tiện ích của ngành đường sắt trên ứng dụng của ngành du lịch.

Hợp tác trong xúc tiến, thúc đẩy các hoạt động du lịch bằng đường sắt và xây dựng các chương trình kích cầu thu hút khách du lịch bằng đường sắt. Thường xuyên trao đổi thông tin, nghiên cứu phát triển các tuyến đường sắt phục vụ phát triển du lịch; giới thiệu các sản phẩm mới, các ấn phẩm du lịch trêncác đoàn tàu phục vụ khách du lịch quốc tế và khách du lịch nội địa. Hỗ trợ đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Hợp tác xây dựng các chương trình kích cầu du lịch đường sắt. Kết nối các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch tham gia chương trình hợp tác kích cầu du lịch bằng đường sắt, tạo các sản phẩm du lịch mới gắn với đường sắt…

Theo:vr.com.vn