Những năm gần đây, trong bối cảnh địa chính trị mới đang hình thành, vận tải hàng hóa đường sắt giữa hai nước một lần nữa chiếm vị trí hàng đầu. Theo hãng tin Sputniknews, vận tải hàng hóa bằng đường sắt giữa Việt Nam và Nga đang bước sang trang mới trong lịch sử.
Kể từ năm 2018, công ty con RZD Logistics của Tập đoàn đường sắt Nga đã hợp tác với nhà điều hành kho vận Ratraco của Việt Nam, triển khai dịch vụ vận chuyển hàng hóa dọc theo hành lang vận tải đường bộ hai chiều Nga-Việt, Việt-Nga. Dịch vụ này lập tức đáp ứng nhu cầu của các nhà xuất-nhập khẩu Nga cũng như Việt Nam.
Lễ đón chuyến tàu container tuyến Moskva – Hà Nội ngày 25/1/2018.
Hàng hóa từ Nga đến Việt Nam và theo chiều ngược lại từ Việt Nam đến Nga được vận chuyển qua hành lang vận tải đường sắt MTC giữa một nhà ga ở khu vực Matxcova và ga Yên Viên ở Hà Nội, và từ đó hàng hóa được vận chuyển đường bộ đến các cửa hàng. Thời gian vận chuyển trung bình từ ga này đến ga khác là 24 ngày.
Trà, cà phê, gia vị, đồ hộp, giày dép và quần áo, kẹo và sô cô la, mỹ phẩm, vật liệu xây dựng, sản phẩm polyme đang được vận chuyển theo tuyến hành lang vận tải Nga-Việt- Nga.
Mối quan tâm của cả các nhà xuất khẩu và nhập khẩu Nga và Việt Nam đối với việc vận chuyển theo hành lang đường sắt đang ngày càng tăng. Theo các chuyên gia của RZD Logistics, hiện nay nhu cầu của khách hàng vận chuyển theo tuyến đường này đã vượt quá khả năng cung cấp của dịch vụ này.
Để kịp thời phục vụ và không bị lỡ bước, mùa Xuân năm nay, có thêm công ty TransContainer của Nga cũng liên kết tổ chức hành lang vận tải đường sắt Việt Nam-Nga.
TransContainer là công ty hàng đầu trong lĩnh vực hậu cần đường sắt container Á-Âu, chuyên vận hành đội tàu container và toa xe vận tải lớn nhất ở Nga.
Công ty tích lũy được nhiều kinh nghiệm phong phú trong khâu quản lý hiệu quả chu trình vận chuyển hàng hóa trên hơn 300.000 tuyến đường ở Nga và nước ngoài, cho phép vận chuyển container hàng đến bất kỳ điểm nào ở Nga, các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), châu Âu và châu Á.
Ông Nikita Pushkarev, Giám đốc phụ trách bán hàng và dịch vụ hậu mãi của TransContainer, cho biết trong giai đoạn đầu của hoạt động hành lang vận tải mới, các mặt hàng như chè, càphê, gia vị, giày dép và quần áo sẽ được chuyển từ Việt Nam để bán trong mạng lưới bán lẻ của Nga.
Ông Nikita Pushkarev cho hay từ Hà Nội, hàng hóa sẽ được chuyển trên các toa xe tiêu chuẩn 1.435mm, đi qua lãnh thổ Trung Quốc và sau đó được xếp lên toa xe khổ đường ray 1.520mm của Nga tại sàn riêng của công ty ở ga Zabaikalsk.
Tàu hàng chờ thông quan tại ga Đồng Đăng
Việc vận chuyển hàng hóa trên lãnh thổ Việt Nam và Trung Quốc sẽ do công ty con TCFF của TransContainer đảm trách. Tuyến vận chuyển mới có lợi thế là tốc độ vận chuyển cao so với các tuyến đường biển thay thế qua vùng Viễn Đông của Nga, nhanh hơn 5-8 ngày và giá thành chi phí tối ưu.
Ngoài ra, lô hàng được xử lý trong khuôn khổ chế độ pháp lý thống nhất, bởi Việt Nam, Trung Quốc và Nga đều là các thành viên tham gia hiệp định vận tải hàng hóa đường sắt quốc tế.
Trong tương quan này, TransContainer có thể lưu hành một chứng từ vận tải, vận đơn đường sắt, cho toàn bộ tuyến đường.
Thời gian vận chuyển từ Hà Nội tới ngoại ô Moskva, đến ga Elektroygli với tổng chiều dài hơn 10.000km, sẽ mất khoảng 35 ngày.
TransContainer cung cấp các thiết bị riêng, đồng thời sẵn sàng đảm bảo khâu bảo quản hàng hóa trong kho tại Việt Nam, đóng vào container, cũng như làm thủ tục thông quan và bảo hiểm quốc tế.
Hàng hóa sẽ từ Việt Nam đến Trung Quốc theo lô gồm 12 container 40 feet, sau đó tập kết trên lãnh thổ Trung Quốc và gửi đến Nga bằng các đoàn tàu với khoảng 50 container.
TransContainer dự kiến mỗi tháng sẽ gửi ít nhất 2 chuyến tàu container theo tuyến đường này. Đồng thời, các bên liên quan đang tích cực nghiên cứu các giải pháp vận tải để theo chiều khứ hồi thường xuyên đưa đến Việt Nam các lô hàng xuất khẩu của Nga gồm ngũ cốc, gỗ xẻ và các hóa chất không nguy hiểm.
Trong số các nước Đông Nam Á, Việt Nam là đối tác chủ chốt của Liên bang Nga. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga trong năm 2021 đạt 7,14 tỷ USD tăng 25,9% so với năm 2020.
Theo:vr.com.vn
Tin tức mới đưa
Khai mạc Hội nghị đường sắt biên giới Việt – Trung lần thứ 44
Không có tinh thần thép không thể làm lái tàu
Sẵn sàng chuyển giao công nghệ, phát triển công nghiệp đường sắt
Dự án hợp tác Hàn Quốc – Việt Nam về Nâng cao năng lực quản lý an toàn đường sắt tại Việt Nam đạt nhiều thành tựu
Ra quân triển khai phong trào “Đường tàu – Đường hoa” tại Km01+180 – Km01+800 tuyến ĐS Bắc Nam
Tổ chức thi sát hạch cấp giấy phép lái tàu năm 2024 tại Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội
Khám sức khỏe định kỳ CBCNVLĐ Xí nghiệp năm 2024
Hội đàm giữa Công đoàn ĐSVN và Công đoàn ĐS Tây Nhật Bản