Sáng nay (19/11) tại Trường Tiểu học Sông Hiếu (thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị), Công ty Cổ phần Đường sắt Bình Trị Thiên, Hội Cựu chiến binh thành phố Đông Hà, Trường Tiểu học Sông Hiếu tổ chức Lễ tổng kết 20 năm mô hình tự quản “Đoạn đường ông cháu cùng chăm”.
Tham dự sự kiện có đại diện các cơ quan, ban ngành gồm: Ủy ban ATGT Quốc gia, Trung ương Hội cựu chiến binh Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Trị, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và các cơ quan, ban ngành địa phương.
Nhình lại 20 năm mô hình tự quản “Đoạn đường ông cháu cùng chăm”, ông Lê Hồng Hải, Giám đốc Công ty Cổ phần đường sắt Bình Trị Thiên cho biết, Công ty được giao quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia với chiều dài 176,7 km (từ km579+500 đến km756+ 200), đi qua 2 tỉnh Quảng trị và Thừa Thiên Huế (có 02 thành phố, 03 thị xã và 22 xã, phường, thị trấn). Địa bàn trải dài qua nhiều vùng dân cư, mật độ các đường ngang, đường dân sinh, lối đi tự mở nhiều và nằm song song sát đường quốc lộ luôn là nguy cơ tiềm ẩn gây mất an toàn chạy tàu. Tình hình đảm bảo an ninh trật tự, vi phạm hành lang ATGT đường sắt trên tuyến vẫn còn nhiều phức tạp.
Hội Cựu chiến binh phường Đông Lễ, TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị kết hợp với Đoàn Thanh niên Đội Quản lý đường sắt 3, thuộc Công ty Cổ phần Đường sắt Bình Trị Thiên ra quân làm vệ sinh môi trường đường sắt tại Km 622 + 300 đến Km 623 + 00 phía Nam Ga Đông Hà
Những năm qua, mặc dù Chính phủ đã ban hành các Chỉ thị, Nghị quyết về đảm bảo ATGT, Trung ương Đoàn đã triển khai phát động nhiều phong trào như: “em yêu đường sắt quê em”, “thanh thiếu niên bảo vệ đường sắt” và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tích cực trong công tác tuyên truyền về ATGT đường sắt, nhưng vẫn còn nhiều vụ việc các hộ dân lấn chiếm hành lang đường sắt, còn nhiều vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng làm thiệt hại không nhỏ đến kinh tế và tính mạng con người, đã để lại biết bao nỗi đau thương mất mát cho nhiều gia đình và xã hội.
Trên địa bàn khu phố 3 và khu phố Tây Trì, thuộc phường I, thành phố Đông Hà, tỉnh quảng Trị nơi có đoạn đường sắt Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh đi qua từ km 619+00 đến km 621+00, trước những năm 2002 trên đoạn đường này thường xảy ra nhiều vụ TNGTĐS làm chết người và bị thương nhiều người khác, điển hình như:
Tại Km 619+00 đến Km 619+500 xảy ra 6 vụ tai nạn tàu đâm người, làm chết 3 người, bị thương nặng 2 người; tại Km 619+980 xảy ra 3 vụ tàu đâm người, làm chết 2 người, bị thương nặng 1 người; tại Km 620+300 đã xảy ra 5 vụ tàu đâm người làm chết 6 người, trong đó có 1 gia đình chết 3 người.
Nhiều vụ ném đất đá lên tàu và lấy cắp hàng trăm bộ linh kiện đường sắt đã diễn ra. Đặc biệt năm 2000 chỉ trong 1 đêm kẻ cắp đã lấy đi nhiều bộ linh kiện đường sắt, đe doạ nghiêm trọng đến sự an toàn khi tàu chạy và tính mạng của hàng ngàn hành khách đang tham gia giao thông.
Với tình trạng chăn thả gia súc trên đường sắt qua đoạn đường này diễn ra thường xuyên, tai nạn giao thông đường sắt liên tục xảy ra, hiện tượng lấy cắp vật tư – vật liệu đường sắt, bắt tàu dừng lại để đưa hàng lậu lên tàu. Tình trạng ném đất đá lên các đoàn tàu đang chạy làm thiệt hại đến tài sản của nhà nước và đã gây ra nhiều nỗi hoang mang lo lắng cho hành khách khi tham gia giao thông trên đoạn đường sắt này.
Cũng từ đây sự ra đời của mô hình tự quản “Đoạn đường ông cháu cùng chăm” đã được hình thành. Để hạn chế TNGT đường sắt, xóa các lối đi tự mở, chấm dứt tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt và các hiện tượng trộm cắp tài sản, ném đất đá lên các đoàn tàu…, Chi đoàn thanh niên Đội Quản lý đường sắt 3 (thuộc Đoàn thanh niên Công ty quản lý đường sắt Bình Trị Thiên), Hội cựu chiến binh phường I (Hội CCB khu phố 3 &Tây Trì) và Trường tiểu học Sông Hiếu đã thống nhất quan điểm về việc tuyên truyền bảo vệ an toàn cho đoạn đường sắt ngang qua địa bàn là một vấn đề bức xúc cần được thực hiện ngay.
Với suy nghĩ: Cựu chiến binh có bản chất của người lính Cụ Hồ dạn dày kinh nghiệm lấy chữ tín làm đầu, nói đi đôi với làm; Lực lượng Đoàn viên thanh niên năng nỗ nhiệt tình, xung kích tình nguyện, đầy lòng nhiệt huyết; Các cháu học sinh luôn hăng hái luyện rèn quyết tâm thi đua trong các hoạt động xã hội và là lực lượng đông nhất hiếu động nhất hiện có trên địa bàn, ngày 19/11/2002, Liên chi đoàn Đội Quản lý đường sắt 3, Liên đội trường tiểu học Sông Hiếu, Hội CCB khu phố Tây Trì, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phường I, thành phố Đông Hà đã tổ chức lễ ký kết giao ước chương trình hành động bảo vệ đường sắt với Mô hình tự quản “Đoạn đường ông cháu cùng chăm”.
Đây là một buổi lễ ký kết có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu cột mốc đầu tiên hình thành mô hình tự quản “Đoạn đường ông cháu cùng chăm”. Đặc biệt lễ ký kết đã gây ấn tượng sâu đậm cho các em học sinh có mặt tại buổi lễ.
Trong 20 năm qua, để thực hiện tốt công tác giáo dục ATGT đường sắt, hàng năm các thành viên tham gia mô hình tự quản ”Đoạn đường ông cháu cùng chăm” đã phối hợp, tập trung vào một số nội dung hoạt động rất cụ thể như: Quán triệt công tác giáo dục ATGT nói chung và bảo vệ đoạn đường sắt đảm nhận tự quản nói riêng trong toàn thể cán bộ hội viên, đoàn viên thanh niên, giáo viên, học sinh và xem đây là một hoạt động thi đua của từng khối.
Triển khai thực hiện tốt kế hoạch giảng dạy luật ATGT cho học sinh theo qui định của bộ GD&ĐT và tổ chức cho học sinh tích cực hưởng ứng phong trào thi tìm hiểu về ATGT nói chung và ATGT đường sắt nói riêng với hơn 700 bài viết.
Bên cạnh đó thường xuyên nhắc nhở học sinh, cán bộ hội viên, đoàn viên, người dân sinh sống dọc hai bên đường sắt, người tham gia giao thông về trách nhiệm thực hiện tốt luật giao thông và bảo vệ đường sắt ngang qua địa bàn. Thông qua các giờ chào cờ đầu tuần, các buổi giao ban và các buổi sinh hoạt tập thể để động viên và biểu dương những tấm gương tốt trong quá trình tham gia hoạt động.
Tích cực vận động những người thân trong gia đình và cộng đồng tham gia thực hiện tốt luật giao thông và có ý thức bảo vệ đoạn đường sắt đi qua địa bàn. Tổ chức tuyên truyền bằng hình thức phát hàng ngàn tờ rơi và dán áp phích cho các hộ dân cư ở 2 bên đường sắt.
Thường xuyên tổ chức cho các em học sinh khối 4, 5 cùng với các CCB, đoàn viên đoàn TN Đường sắt ra quân tổng vệ sinh, nhặt rác trên đường tàu và vận động xoá bỏ những đường mòn dân sinh ngang qua đường sắt.
Tổ chức ra quân cảnh giới tại các đường ngang không có người gác và lối đi tự mở, phối hợp điều tiết giao thông vào các dịp Lễ, Tết, các sự kiện trong đại của đất nước. Xung kích phối hợp cùng đơn vị đường sắt trên địa bàn tổ chức cứu chữa, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, dọn dẹp cây đổ vào đường sắt…
Thành lập các tổ tự quản trong học sinh phối hợp với các hội viên Hội CCB cùng Hội cha mẹ học sinh của trường để tuyên truyền bảo vệ tài sản – vật liệu của ngành đường sắt. Phát hiện và thông báo kịp thời cho những người có trách nhiệm xử lý các đối tượng có hành vi xâm hại đến tài sản và an toàn của ngành đường sắt.
Trong suốt 20 năm qua, các thành viên tham gia mô hình tự quản “Đoạn đường ông cháu cùng chăm” đã tích cực tuyên truyền, giáo dục và tổ chức các hoạt động, nên đã đem lại những kết quả đáng tự hào, trên đoạn đường đảm nhận tự quản:
Không còn xảy ra TNGT đường sắt do tàu đâm, va người, không còn hiện tượng ném đất đá lên tàu, lấy cắp vật tư, vật liệu đường sắt. Học sinh các trường đã có ý thức tốt khi tham gia giao thông và chưa có một trường hợp nào đáng tiếc xảy ra đối với học sinh khi tham gia giao thông qua đường sắt.
Cùng với đó, ý thức của nhân dân trong việc giữ gìn bảo vệ đường sắt được nâng lên rõ rệt, không còn hiện tượng cố tình vứt rác, chăn thả gia súc trên đường sắt, cảnh quan môi trường đường sắt qua địa bàn trên được cải thiện.
Trong quá trình tổ chức các hoạt động đã thu hút được nhiều tập thể và cá nhân tự nguyện phối hợp tham. Các Ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương và người dân đã có trách nhiệm cao hơn trong công tác bảo vệ và đảm bảo an toàn giao thông đường sắt.
Mô hình tự quản “Đoạn đường ông cháu cùng chăm” đang được Trung ương Hội CCB Việt Nam; Hội đồng đội Trung ương lấy làm mô hình điểm để nhân rộng trên toàn quốc.
Để ghi nhận những thành tích đạt được trong Phong trào bảo vệ đường sắt với mô hình “Đoạn đường ông cháu cùng chăm” thời gian qua, đã có nhiều tập thể được khen thưởng: Hội CCB phường 1 – TP. Đông Hà được Trung ương Hội CCB Việt Nam tặng bằng khen; Hội CCB thành phố Đông Hà được Bộ Công an tặng bằng khen về phối hợp bảo đảm an toàn giao thông; Trường Tiểu học Sông Hiếu 2 lần được Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tặng bằng khen và được Công an Tỉnh Quảng Trị tặng bằng khen về phong trào bảo vệ an toàn giao thông. Ngoài ra nhiều tập thể, cá nhân được Công ty cổ phần đường sắt Bình trị Thiên khen thưởng hàng năm.
“Thời gian tới, chúng tôi vẫn xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên và tiếp tục thực hiện tốt các Nghị định, các Chỉ thị của Chính phủ và quy định của các cấp, các nghành trong việc thực hiện tốt ATGT nói chung và ATGT đường sắt nói riêng. Giữ vững và phát huy các thành tựu đã đạt được và thực hiện tốt mô hình “Đoạn đường ông cháu cùng chăm” trên toàn địa bàn thành phố Đông Hà, vận động nhân dân trong địa bàn không lấn chiếm hành lang đường sắt, không chăn thả gia súc trên đường sắt, không xả rác và ném đá đất lên các đoàn tàu, bảo vệ tốt vật tư, tài sản của ngành đường sắt…
Thành lập, nhân rộng câu lạc bộ “Đoạn đường ông cháu cùng chăm” với các địa phương khác để phát triển và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện nghiêm các quy định về pháp luật ATGTĐS”, ông Lê Hồng Hải, Giám đốc Công ty Cổ phần đường sắt Bình trị Thiên cho hay.
Một số hình ảnh hoạt động của các tổ chức, đoàn thể trong 20 năm qua.
Theo:vr.com.vn
Tin tức mới đưa
Tổng kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/ĐU của Đảng bộ Tổng công ty ĐSVN khóa XI
Tết Ất Tỵ: ĐS sẽ lập thêm tàu khách từ TP.HCM đi các tỉnh miền Trung
ĐSVN bổ nhiệm Tân Phó Tổng giám đốc
Hà Nội đi TP. Hồ Chí Minh bằng tàu có thể chỉ mất hơn 5 tiếng
VNR và Tập đoàn RIW (CHLB Đức) ký biên bản ghi nhớ về hợp tác đào tạo hàn ray
Công đoàn Đường sắt Việt Nam và Trung Quốc thúc đẩy quan hệ
Những chính sách mới áp dụng cho vé tàu Tết 2025
Thư cảm ơn