Đường sắt áp dụng quản lý đầu máy, toa xe qua mạng

Đường sắt thời 4.0, chỉ một cái bấm chuột, biết tất tần tật về toa xe. Công nghệ số được áp dụng để quản lý đầu máy, toa xe qua mạng, đảm bảo chất lượng, an toàn phương tiện khi vận dụng chạy tàu.

Tra cứu trạng thái, vị trí toa xe tức thời

Có mặt tại ga Giáp Bát, nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi thấy vài công nhân đang lui cui dưới gầm toa xe hàng, phía trên các nhân viên bốc xếp vẫn hối hả xếp các bao kiện lên. Các công nhân này đang tập trung “khám chữa”, sẵn sàng đưa toa xe vào khai thác.

Một công nhân cho biết, toa xe này mới về ga theo chuyến tàu sáng. Qua tra cứu thông tin trên hệ thống quản trị qua mạng cho thấy toa xe này gặp sự cố kĩ thuật nhỏ, nhưng cần khắc phục ngay, đảm bảo an toàn để chiều xếp hàng, nối vào chuyến tàu khởi hành đêm nay.

Công nhân khám chữa toa xe đang “khám”, khắc phục sự cố kĩ thuật.

Đại diện Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, việc tra cứu được thông tin trạng thái kĩ thuật tức thời của toa xe trên chỉ là một trong nhiều tính năng thuận lợi mà hệ thống lõi quản trị vận tải hàng hóa đang được Tổng công ty áp dụng. Theo đó, các thông tin về phương tiện, thương vụ vận tải hàng hóa được các bộ phận cập nhật liên tục trên hệ thống mạng mỗi khi xong một tác nghiệp theo quy trình cụ thể.

Do đó, các bộ phận có thể quan sát, tra tìm thông tin trên hệ thống. Trên màn hình trực quan thể hiện tất cả các tàu đang hoạt động trên tuyến và biết tàu đang ở khu đoạn nào, giờ xuất phát ở ga gốc, ga đến, các thông tin đoàn tàu: có bao nhiêu toa xe, trọng lượng bao nhiêu, dài bao nhiêu mét, số hiệu đầu máy, tên của tài xế, tên của trưởng tàu, số điện thoại…

Chỉ cần bấm chọn mác tàu sẽ ra hàng loạt thông số chi tiết từng toa xe trong đoàn tàu như: số hiệu, chủng loại toa xe, chủ sở hữu là công ty nào, chức năng của toa xe là xe bưu vụ, hàng cơm hay toa khách, toa hàng; toa hàng rỗng hay nặng, chở hàng gì, dỡ ở đâu và các thông tin kèm theo như tốc độ tối đa cho phép của toa xe, trạng thái kĩ thuật…

Riêng về phương tiện, nhân viên có nhiệm vụ liên quan cũng như người điều hành có thể vào hệ thống để “nhìn” được trạng thái thương vụ toa xe (chở hàng hay rỗng, đang chờ dỡ hay chờ xếp, đang dỡ thì bao giờ xong để có thể tiếp tục xếp hàng…), trạng thái kĩ thuật toa xe (đang vận dụng tốt hay hỏng, đang sửa chữa, sắp tới hạn bảo dưỡng định kỳ chưa…) trên toàn mạng lưới cũng như tại ga.

Nâng cao quản trị, đảm bảo an toàn

Đại diện Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, trước đây khi chưa áp dụng hệ thống này, toàn bộ các phương tiện đều quản lý bằng sổ sách. Nhưng với hàng nghìn toa xe, hàng trăm đầu máy, việc nắm được thông tin cụ thể tại thời điểm tra cứu cái nào đang vận dụng, vận dụng ở đâu, cái nào đang vào xưởng, cái nào đang gá gửi, gá gửi ở ga nào… vô cùng khó khăn, phức tạp và mất thời gian.

Giao diện thể hiện trạng thái các đoàn tàu trên hệ thống, từ đó có thể tra cứu thông tin đầu máy, toa xe

Mặt khác, việc tổng hợp thông tin tổng thể về đầu máy, toa xe và các phương tiện khác như các loại máy chèn, máy goòng, máy sàng và máy thi công cơ giới đường sắt để quản lý, phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành cũng mất thời gian, nhiều khi chưa chưa chính xác, chưa phản ánh đúng thực tế do số lượng phương tiện lớn, rải rác, phân tán tại nhiều đơn vị trên toàn mạng lưới đường sắt.

Với việc áp dụng hệ thống lõi quản trị vận tải hàng hóa, đã số hóa được toàn bộ quá trình vận tải, phương tiện, bao gồm chuẩn hóa các mẫu biểu báo cáo, thống kê, giúp cho người điều hành quản trị tốt hơn. Mặt khác, giúp giảm chi phí, giảm lao động thủ công; Tăng cường đảm bảo chất lượng, an toàn phương tiện.

Như với quản lý toa xe, thông qua hệ thống, có thể thống kê các phương tiện đến hạn định bảo dưỡng, sửa chữa theo các cấp kĩ thuật, từ đó xây dựng được kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng toa xe để chủ động chuẩn bị về kinh phí, vật tư, bố trí nhân lực.

Hơn nữa, chỉ cần đưa con trỏ vào vị trí toa xe nào trong thành phần đoàn tàu đang hiện trên màn hình, sẽ hiện ra các thông số kĩ thuật, trong đó có số km đã chạy. Bộ phận liên quan có thể căn cứ vào thông số này để “bắt” toa xe vào xưởng bảo dưỡng, ngay cả khi chưa đến hạn định vì đã đủ số km chạy, nhằm đảm bảo an toàn khi vận dụng trên đường.

Nếu toa xe đang vận dụng phát sinh những vấn đề về chất lượng, có thể tra cứu được ngay đơn vị thực hiện để kiểm tra, xác định trách nhiệm. Do đó, tăng cường được chất lượng phương tiện, đảm bảo an toàn khi vận dụng.

Để đảm bảo duy trì cập nhật thông tin liên tục trên hệ thống, Tổng công ty Đường sắt VN quy định rõ các chức danh, bộ phận phải cập nhật lên hệ thống theo tác nghiệp.

Bộ phận được giao quản lý phương tiện của các doanh nghiệp, chi nhánh có trách nhiệm nhập chính xác, đầy đủ các thông số kỹ thuật của các toa xe, đầu máy thuộc đơn vị mình quản lý; Hiệu chỉnh các thông số trên kịp thời khi có sự thay đổi.

Chức danh điểm xa có trách nhiệm nhập thành phần cơ bản của đoàn tàu, trong đó có mác tàu, thành phần đoàn xe, ga lập tàu, ga giải thể theo kế hoạch; Số hiệu đầu máy, số điện thoại lái máy, tên lái máy, trưởng tàu, điện thoại trưởng tàu…

Chức danh công nhân khám chữa toa xe được phân công thực hiện việc kiểm tra, khám xe ngoài hiện trường và chịu trách nhiệm xác định trạng thái kỹ thuật toa xe, có trách nhiệm nhập trạng thái kỹ thuật toàn bộ toa xe vào hệ thống sau khi “khám”, sửa chữa toa xe; thời gian toa xe vào, ra xưởng; Thông tin toa xe khi ra xưởng: Ngày đăng kiểm, ngày sửa chữa lớn, nơi sửa chữa lớn, ngày sửa chữa nhỏ, nơi sửa chữa nhỏ…

Theo:vr.com.vn